Tra Từ Điển Đạo Phật

Tìm kiếm theo chữ cái

Đi kinh hành

là đi theo pháp môn đang thực hiện để xả tâm ly dục ly ác pháp; để ngăn ác diệt ác pháp, sinh thiện tăng trưởng thiện pháp; để nhiếp tâm và an trú tâm; để thực hiện tâm bất động trên Tứ Niệm Xứ. Không cần phải đi suốt 3 tiếng đồng hồ, chỉ nên tu tập theo đặc tướng hoặc tu theo trạng thái đang bị hôn trầm thùy miên, phải đi vừa với sức của mình mà thôi, đi trong trong trạng thái tỉnh thức hoàn toàn để biết rõ từng niệm khởi xả tâm cho thật sạch.

Đi nhiều ít là do sức lực của hành giả chứ không được ức chế. Đi kinh hành là tập trung ý tứ vào thân hành niệm, phải trụ tâm nơi bước đi, không khởi niệm nói chuyện, hỏi và nói pháp. Nếu đi kinh hành khởi niệm nói chuyện, hỏi và nói pháp tức là đi kinh hành sai pháp.

Đi kinh hành nói pháp, luận pháp thì tâm trí làm sao tập trung nơi bước đi cho được. Hành động tu hành như vậy là tu sai, không đúng pháp đi kinh hành, cũng như trong thời gian tu tập các pháp môn khác cũng không được nói chuyện, cho nên pháp độc cư của Phật dạy là bí quyết thành công trong việc tu hành thiền định. Đi kinh hành có hai pháp:

1- Đi kinh hành như người đi bình thường, đi mình biết từng bước đi. Đi kinh hành phải tập đi như người vô sự, không nên đi nhanh mà cũng không nên đi chậm.

2- Đi kinh hành theo pháp Thân hành niệm, mỗi hành động bước đi đều phải tác ý trước khi bước đi. Khi không bị hôn trầm thùy miên vô ký ngoan không thì tác ý trong đầu, còn khi bị hôn trầm thùy miên vô ký và ngoan không thì nên tác ý ra tiếng nói như truyền lệnh. Khi mới bước chân vào chùa tu tập thì nên tu tập các pháp đi kinh hành này cho nhuần nhuyển.

Người nào muốn chứng đạo thì nên đi kinh hành nhiều, vì đi kinh nhiều tâm mới tỉnh táo, nhờ tâm tỉnh táo mà không có các niệm ác pháp nào xen vào được nên tâm sẽ bất động thanh thản an lạc và vô sự.